- Thực hiện Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 18/112021 của UBND quận và Công văn số 317/PGDĐT ngày 23/11/2021 của Phòng GD&ĐT quận về tổ chức các hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ giới năm 2021.
- Hưởng ứng lời kêu gọi cùng nhau hành động của các cấp, các ngành cấp trên, trường Tiểu học Nguyễn Huệ đã triển khai thực hiện và báo cáo kết quả cụ thể như sau:
* Công tác chỉ đạo:
- Xây dựng Kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới và triển khai tới 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên các nội dung của Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 18/11/2021 của UBND quận về tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ giới năm 2021.
- Chỉ đạo các bộ phận trong trường quan tâm, thực hiện các nội dung liên quan đến bình đẳng giới với chủ đề Tháng hành động: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, cao điểm từ ngày 18/11/2021 đến ngày 15/12/2021.
* Công tác tuyên truyền:
- Triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tới 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường:
+ Luật Bình đẳng giới, những nội dung mới về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động 2019.
+ Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
+ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
+ Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 04/01/2019 của UBND thành phố về việc triển khai thực hiên Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn thành phố.
+ Kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”.
+ Các quy định về hành vi, ứng xử của giáo viên, nhân viên và học sinh có liên quan đến phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường được quy định trong Điều lệ trường Tiểu học.
+ Các kế hoạch, chương trình hành động vì bình đằng giới các cấp.
- Hình thức: Tuyên truyền thông qua hệ thống bảng tin, trang website, phát thanh măng non, chào cờ đầu tuần, chạy bảng điện tử một số khẩu hiệu tuyên truyền và dạy lồng ghép các nội dung liên quan đến chủ đề Tháng hành động vì bình đẳng giới vào các tiết GDTT, KNS…
* Kết quả triển khai các hoạt động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới:
- Đã tổ chức nói chuyện vào buổi chào cờ đầu tuần với HS nhằm tuyên truyền nội dung về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới: 100% HS tham gia.
- Phát thanh măng non vào đầu giờ và giờ ra chơi, chạy bảng điện tử một số khẩu hiệu tuyên truyền: 07 buổi.
- Tổ chức hội thảo lồng ghép trong buổi họp hội động về nâng cao nhận thức về bình đẳng giới với nội dung “Ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do việc lựa chọn giới tính thai nhi”: 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia.
- Tổ chức dạy lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực vào các tiết học Giáo dục tập thể, Đạo đức, TNXH, Tập đọc, KNS: 45 tiết
- Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác bình đẳng giới tại các tổ công đoàn: 01 buổi
- Đã đưa bài lên trang website nhà trường nhằm tuyên truyền về bình đẳng giới sâu rộng đến toàn thể PHHS.
- Duy trì trường học an toàn, hạnh phúc, không bạo lực.
- Thực hiện các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm bình đẳng giới trong nhà trường nghiêm túc: Không có trường hợp nào vi phạm.
* Nhìn lại chặng đường bình đẳng giới sau 10 năm nỗ lực của Việt Nam.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Những thành tựu đạt được cũng trở thành tiền đề, thành động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
* Một số thành tựu về bình đẳng giới:
Thực tế cho thấy, cả nam giới và nữ giới đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới, nhưng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Tại Việt Nam, các mục tiêu bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ, các cơ quan cũng như các tổ chức cả trong và ngoài nước. Hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước không ngừng được hoàn thiện, công tác tổ chức được triển khai đồng bộ, quyết liệt cùng với sự tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển và các tổ chức của Liên hợp quốc như Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc… để giải quyết các vấn đề xoay quanh bình đẳng giới. Mục tiêu đặt ra để giải quyết vấn đề ở các khía cạnh: Đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đây cũng chính là những mục tiêu được đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24/12/2010.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện Chiến lược, nhiều mục tiêu về bình đẳng giới đã và đang được triển khai đồng bộ, mang lại những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của từng cá nhân, từng gia đình cũng như toàn xã hội, đồng thời những cố gắng, nỗ lực của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Báo cáo Phát triển con người năm 2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, năm 2019, Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,704, tăng 1 bậc so với năm trước và xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ, ghi dấu lần đầu tiên Việt Nam lọt vào nhóm các nước có chỉ số HDI ở mức cao. Cùng với đó, bất bình đẳng về thu nhập (19,1%) và hệ số Gini (35,7) của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019. Đây là thành tựu không phải quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nào cũng đạt được.
Kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chiến lược Bình đẳng giới còn thể hiện ở việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Báo cáo số 362/BC-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020 cho thấy, tỷ lệ nữ giới tham gia các cấp ủy Đảng khóa sau đã tăng hơn khóa trước. Cụ thể: Tỷ lệ nữ giới tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là 8,62%, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương là 11,4%, cấp huyện là 14% và cấp cơ sở là 18,1%; tới khóa XII, các tỷ lệ tương ứng đạt lần lượt là 10%, 13,3%, 14,3% và 19,07%. Nhiệm kỳ 2015-2020, lần đầu tiên có 3 đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị (đạt tỷ lệ 15,78%). Kết thúc giai đoạn, cả nước có 8/63 nữ bí thư tỉnh ủy, 14 nữ phó bí thư tỉnh ủy.
* Tiếp tục những nỗ lực mới vì xã hội bình đẳng, tiến bộ
Đảng và Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể trong lĩnh vực chính trị, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương và giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm lần lượt là 50%, dưới 30% vào năm 2025, và khoảng 60%, dưới 25% năm 2030; Tỷ lệ lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là nữ đạt ít nhất 27% năm 2025 và 30% năm 2030.
Ngoài những nỗ lực quyết liệt của Chính phủ cùng sự bảo vệ của hệ thống pháp luật, để có thể đi đến giải quyết ngọn ngành các vấn đề do bất bình đẳng giới gây ra còn cần sự thay đổi trong quan điểm, nhận thức của mỗi người dân Việt Nam trong vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ. Do đó, rất cần có sự chung tay của mỗi người dân cùng phối hợp với chính quyền cùng hoàn thành các mục tiêu đã đề ra nhằm xây dựng một xã hội Việt Nam mà nam giới, nữ giới, trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn, góp phần phát triển Việt Nam tiến bộ, toàn diện và bền vững./.